Hiệp sỹ của đường phố

Tri thức Xanh xin giới thiệu truyện dài kỳ “Hiệp sỹ của đường phố” của tác giả Đào Nguyên Lan - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Nguyên Phó Giám đốc Truyền hình báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bạn đọc thân mến

Tri thức Xanh xin giới thiệu truyện dài kỳ “Hiệp sỹ của đường phố” của tác giả Đào Nguyên Lan - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Nguyên Phó Giám đốc Truyền hình báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tác giả từng nhận được nhiều giải Nhất, Nhì Báo chí Quốc gia, giải B Báo chí Ngàn năm Thăng Long Hà Nội; giải B truyện ngắn hay toàn quốc, từng có nhiều kịch bản phát trên sóng truyền hình chương trình “Gặp nhau cuối tuần”. “Hiệp sỹ của đường phố” là câu chuyện đan xen giữa đời thực và ước mơ, với nhiều tình tiết rất lý thú, được viết một cách hài hước và rất hấp dẫn. Hy vọng sẽ mang lại nhiều niềm vui và tiếng cười cho đông đảo bạn đọc.

Hiệp sỹ của đường phố

(Kỳ 1)

Trở thành kẻ không nhà

Màn đêm dần buông. Thành phố bắt đầu lên đèn, tạo thành một vầng sáng thật rực rỡ. Trên những con phố lớn, diễn ra khung cảnh ồn ào và náo nhiệt. Người xe qua lại rầm rập. Những nhà hàng, khách sạn sang trọng lập loè ánh đèn mầu, dập dìu trai thanh giá lịch. Người ta đang tranh thủ hưởng thụ cuộc sống. Và thành phố trở càng nên sống động khi về đêm…

Nhưng không phải chỗ nào trong thành phố này cũng có cuộc sống tươi vui như vậy. Đó đây, trong những xóm lao động nghèo, khuất xa nơi vùng sáng rực rỡ của chốn giàu sang đô hội, là những căn nhà thiếu ánh sáng vì tiết kiệm điện, là những bữa cơm đạm bạc sau một ngày lao động mệt nhọc, là những nét mặt hằn sâu nỗi vất vả lo toan thường nhật….

Tại một xóm lao động nghèo nằm khuất nẻo cạnh một con mương cạn, có tiếng ếch nhái kêu râm ran, báo hiệu trời sắp đổ cơn mưa. Từ phía xa xa, ánh đèn cao áp yếu ớt chiếu đến đây, soi mờ tỏ một dãy nhà ọp ẹp, được dựng nên bằng các thứ nhặt nhạnh như tấm tôn, gỗ dán, bìa các tông, giấy dầu, manh chiếu rách, bao tải... dãy nhà như nép sát vào nhau để chuẩn bị chống đỡ trước cơn mưa gió sắp ập đến...

Trong một căn nhà nhỏ nằm gần sát cuối dãy vẫn còn ánh sáng. Bên trong ngôi nhà được bày biện thật sơ sài: một chiếc giường gỗ đặt giữa nhà, mấy chiếc xoong nồi lăn lóc nơi góc nhà. Còn cạnh chiếc cửa sổ duy nhất có kê một chiếc bàn gỗ nhỏ, bên trên đặt mấy chồng sách vở học sinh. Tất cả được soi sáng bằng ánh sáng của một ngọn nến cắm trên bàn.

Và kỳ lạ thay, giữa khung cảnh thật nghèo nàn ấy, lại có một cậu bé khoảng mười hai, mười ba tuổi, vẻ mặt thông minh nhanh nhẹn nhưng đượm một nỗi buồn thầm kín đang ngồi trước bàn. Cậu đang cắm cúi học tập. Hoá ra trẻ em nghèo cũng ham học đến thế…

Đêm đã khuya, cậu bé mỏi mệt đứng dậy vươn vai, ngáp dài…

Chợt có tiếng kẹt cửa, cánh cửa ghép bằng những tấm ván mỏng mở ra. Một người đàn ông trạc khoảng năm mươi tuổi bước vào. Người đàn ông ăn mặc tồi tàn theo kiểu một người làm lao động nặng nhọc. Nét mặt rầu rĩ, ông thốt ra một tiếng thở dài. 

Cậu bé nhìn ông âu yếm, hỏi:

- Bố, sao hôm nay bố về muộn thế? 

Người bố gieo mình xuống chiếc giường gỗ:

- Xuân, lại đây bố bảo.

Ông run run ôm lấy đứa con trai, lắc đầu:

- Bố có lỗi với con nhiều lắm... thế là bố con ta mất nhà rồi, con ạ...

Như sét đánh bên tai, cậu bé Xuân sửng sốt mở to mắt nhìn bố. Người bố thều thào tiếp:

- Bố đánh bài thua hết tiền, thế là bố đánh liều ... lấy nhà ra đặt  để gỡ lại. Ai ngờ thua nốt... thế là hết ... mai họ sẽ đến lấy nhà rồi.

Cậu bé Xuân nghẹn ngào:

- Con đã bảo bố bao nhiêu lần, đừng có đánh bạc nữa mà bố không nghe... từ mai bố con mình ở đâu, mà chỗ học của con cũng chẳng còn...

Ông bố đấm ngực thùm thụp:

- Tại bố, tại bố tất cả con ạ... bố thật khốn nạn... trời ơi là trời. Rồi khi nào mẹ về, chắc chắn là mẹ sẽ không bao giờ tha thứ cho bố.

Ông ôm đầu, nằm gục xuống giường. 

Khuôn mặt Xuân nom  già hẳn đi. Cậu khẽ lay bố:

- Thôi bố ạ, đằng nào thì nhà cũng mất rồi. Bố đừng buồn quá mà đâm ốm thì còn khổ hơn, bố ạ.

Một phút im lặng. Ông bố ngẩng đầu nhìn con:

- Bố tính thế này, con ạ... bố sẽ đưa con sang ở nhờ nhà cô Mừng một thời gian vậy...

- Thế còn bố? Bố sẽ ở đâu?

- Bố sẽ nhẩy tàu lên ngược, theo anh em làm ăn một thời gian xem sao.... nghe bảo trên mấy bãi vàng đó kiếm ăn dễ dàng hơn... nếu kiếm được nhiều tiền bố sẽ quay về ngay, mua một cái nhà nhỏ khác trước khi mẹ về. Con thấy có được không?

Xuân lắc đầu quầy quậy:

- Con không muốn thế đâu. Mẹ đã phải xa con đi ra nước ngoài làm ''Ô Sin'' kiếm tiền, chỉ còn hai bố con với nhau, con không muốn bố lại phải đi xa nữa.

- Đành vậy thôi... có cách nào khác đâu con. Tối mai bố đi con ạ, anh em người ta đã hẹn rồi, con ạ.

Xuân ngồi xuống ghế, đưa hai tay ôm đầu. Cậu cứ ngồi như thế thật lâu, cặp mắt vô hồn nhìn mãi vào khoảng không trước mặt. Mưa bắt đầu rơi trên mãi nhà lợp bằng tôn, gõ nên những giai điệu thật buồn tẻ. Một cơn gió lạnh bất chợt thổi đến, khiến người bố rùng mình, lại gần ôm chặt đứa con vào lòng. 

Hai bố con ngồi ôm nhau đợi sáng với hai khuôn mặt buồn thiu.

Những ánh đèn cao áp trên sân ga hắt bóng xuống nền sân. Đêm nay sân ga vắng vẻ và buồn bã. Con tàu đã hú còi ầm ĩ, chuẩn bị khởi hành. Người bố đứng trên bậc lên xuống, cố nói thật to trong tiếng còi tàu:

 - Thôi con về đi, cố gắng lên con nhé... Khi nào có tiền bố sẽ về ngay với con.

Xuân bước theo con tàu đã bắt đầu chuyển bánh, đưa tay vẫy vẫy bố:

- Bố nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé.... cố gắng mau về với con, bố nhé, bố nhé...

Con tàu tăng tốc dần. Hai bố con vẫy nhau mãi...Xuân đứng lặng trên sân ga, nhìn theo bóng hình bố xa dần, xa dần...

Khi sân ga đã trở nên trống trải, chỉ còn mỗi mình cậu, Xuân đưa tay lau dòng nước mắt đã lặng lẽ chảy ướt mặt từ lúc nào, rồi nặng nề lê gót rời sân ga.

***

Trong một căn nhà nhỏ, tuy đơn sơ nhưng được bày biện khá ngăn nắp. Đó là nhà của bà cô Mừng, cô của cậu bé Xuân. Bữa cơm chiều đã được dọn ra. Chỉ có mấy món đạm bạc: cá khô, rau luộc, nhưng toát lên vẻ đầm ấm gia đình. Cô Mừng là một phụ nữ trạc trên bốn mươi tuổi, trang phục xuềnh xoàng nhưng vẻ mặt phúc hậu. Cô gắp một miếng thức ăn đặt lên bát của Xuân, giục cháu:

- Cháu ăn tự nhiên nhé, cháu cứ coi đây là nhà của cháu. Có cháu về đây, cái Lan Phương nó vui lắm đấy.

Bà Cô âu yếm đưa mắt nhìn cô con gái, trạc mười tuổi, có khuôn mặt trái xoan và cặp mắt đen láy, ngồi sát cạnh Xuân. Lan Phương cũng bắt chước mẹ, gắp thêm thức ăn vào bát Xuân, nũng nịu:

- Anh Xuân ăn nhiều vào. Chốc nữa anh em mình đi bắt cá lia thia nhé. Xong đến tối anh dạy em học toán với, em học toán dốt lắm anh Xuân ạ...

Xuân đưa mắt nhìn cô bé, vừa và miếng cơm vừa vui vẻ gật đầu. 

Bữa ăn đang vui thì bị gián đoạn bởi tiếng lọc cọc bên ngoài. Một người đàn ông khoảng gần năm chục tuổi dắt chiếc xe ba gác đi vào. Đó là ông chú chồng của cô Mừng. Để chiếc xe trước cửa, ông chú cúi mình chui vào nhà. Nhìn thấy cảnh quây quần bên mâm cơm, ông ta sa sầm nét mặt.

Bà Cô vội đon đả:

- Anh đã về, ăn cơm luôn thể. Mấy mẹ con cô cháu tôi chờ mãi, cũng mới chỉ đụng bát đụng đũa...

- Ai khiến chờ. Còn phải đi rã chân để kiếm cái mà đổ vào mồm  đã chứ. Ông chú trả lời gắt gỏng, trong khi vớ chiếc điếu cày nơi góc nhà mồi thuốc, châm lửa rồi đưa lên mồm  hút sòng sọc.

Xuân bỏ bát đũa đứng dậy. Cô Mừng vội kêu lên:

- Kìa ăn thêm đi cháu, mới và chỉ lưng bát cơm...

- Dạ cháu no rồi ạ cô ạ.

Xuân đi vào gian bếp, nơi có kê tấm liếp làm giường nằm của cậu. Cô bé Lan Phương cũng bỏ bát đũa vào theo, đứng tần ngần nhìn Xuân dọn dẹp chồng sách vở. Xuân vẫy cô bé lại:

- Anh cho Lan Phương mấy cuốn vở này để viết nhé.

Cô bé xinh xắn lắc đầu quầy quậy:

- Em không lấy đâu, để cho anh viết chứ.

- Anh không viết nữa đâu...

Cả hai đang trò chuyện, chợt bị cắt ngang vì giọng nói cộc cằn của ông chú vọng vào, tuy cố chùng xuống nhưng vẫn nghe rõ mồn một:

- Chắc nhà mình còn hiếm con, nên cô mới nhận vội thằng cháu ruột quý hoá của cô về đây mà nuôi thêm cho vui hả? Hay là nhà mình đang thừa ăn thừa mặc, nên phải vung bớt tiền mà nuôi người thiên hạ...

Cô Mừng bực mình đốp lại:

- Anh thì chỉ biết của thiên hạ... thế sao không nhớ cái lần con ốm, sang năn nỉ anh tôi vay tiền, anh tôi phải bán cả cái xe ba gác lấy tiền cho vay... bây giờ chẳng qua anh tôi gặp vận đen, mới phải gửi con sang đây ít ngày... mà anh tôi cũng gửi cả tiền ăn cho nó chứ có phải nó ăn không ăn hỏng gì đâu mà anh chì chiết... Khiếp thật. Đúng là: "của mình thì giữ bo bo, của người thì thả cho bò nó ăn''...

Ông chồng bị chạm nọc, gào lên ầm ĩ:

- Phải, tao bo bo đấy... nhưng mà tao bo bo cho mẹ con nhà mày, chứ đâu phải cho bản thân tao...

Đưa hai bàn tay nhỏ bé lên bịt chặt lấy hai tai, đôi mắt của cô bé Lan Phương mở to nhìn Xuân mọng nước. Xuân lại gần ôm lấy cô bé, thơm nhẹ lên má nó, thì thầm:

- Kìa sao thế? Sao em lại khóc nhè thế này? Nín đi nào. Bây giờ anh phải đi có việc... Em nói với mẹ là tối nay anh không về nhé.... 

- Anh đi đâu? Anh có về nữa không? Cô bé hoảng hốt nhìn Xuân, cậu mỉm cười an ủi cô em gái:

- Có chứ, anh sẽ về thăm em luôn, em hãy nghe lời mẹ nhé...

Xuân rón rén bước nhẹ ra cửa rồi ù té chạy thật nhanh... Nhét một ngón tay vào miệng, cô bé Lan Phương cố nén khóc, nhìn theo bóng người anh họ khuất dần trong bóng đêm đang ngày càng trở nên dày đặc hơn...

                                                                                          (Còn nữa)               

                                                                                                 Đào Nguyên Lan - Theo TTX